Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

 

Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được quy định tại Nghị định 55/2019/NĐ-CP. Tuy nhiên, quy định này chưa thật sự đạt hiệu quả, chưa phổ cập được phần đông doanh nghiệp thuộc đối tượng này. Cho tới gần đây, các Bộ bắt đầu đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện như Bộ Y tế, Bộ Giao thông vận tải. Hay mới nhất là Bộ Tài chính với Thông tư 64/2021/TT-BTC hướng dẫn sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước cho hoạt động tư vấn. Chính sách đang đến gần, chủ doanh nghiệp nhỏ và vừa cần biết điều gì từ chính sách này?

1. Doanh nghiệp được hỗ trợ pháp lý qua những hình thức nào?

Theo Điều 3 Nghị định 55/2019/NĐ-CP, doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ như sau:

  • Doanh nghiệp được khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước xây dựng, cập nhật;
  • Doanh nghiệp được khai thác và sử dụng miễn phí cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý. Trong đó bao gồm bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; các văn bản trả lời đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa, các văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên;
  • Doanh nghiệp được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật;
  • Doanh nghiệp được tham gia các chương trình hỗ trợ pháp lý do nhà nước tổ chức. Bao gồm hoạt động cung cấp thông tin, đối thoại pháp luật, bồi dưỡng kiến thức pháp luật thông qua hội thảo, truyền thông, sách, tài liệu…

Trong số những chính sách hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được nêu trên, một số vẫn chưa được triển khai triệt để trên thực tế. Hệ thống cơ sở dữ liệu còn đang trong quá trình xây dựng, chưa cung cấp được dữ liệu riêng của ngành hay của khối doanh nghiệp nói chung. Tuy nhiên, một số Bộ, ngành bắt đầu đã có bước tiến như Bộ Giao thông vận tải ban hành Quyết định số 1127/QĐ-BGTVT giải đáp pháp luật trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; và Quyết định số 1130/QĐ-BGTVT thực hiện chuyên mục “Hỏi đáp pháp luật” trên Website của Bộ.

2. Thủ tục đề nghị hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật

Phần lớn trong số các chính sách kể trên, các doanh nghiệp cần phải đợi cơ quan chức năng hoàn thiện. Tuy nhiên, đối với hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật, doanh nghiệp hoàn toàn có thể chủ động nộp hồ sơ đề nghị hỗ trợ khi có nhu cầu. Thủ tục thực hiện được quy định tại Điều 9 Nghị định 55/2019/NĐ-CP như sau:

2.1 Đề nghị hỗ trợ

Sau khi thỏa thuận dịch vụ tư vấn pháp luật với tư vấn viên pháp luật thuộc mạng lưới được công bố, doanh nghiệp gửi hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính hoặc bằng phương thức điện tử đến Bộ, cơ quan ngang bộ đã công bố mạng lưới đó. Hồ sơ đề nghị bao gồm:

  • Tờ khai xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa theo mẫu tại Nghị định số 39/2018/NĐ-CP;
  • Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  • Hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp luật, trong đó nêu rõ nội dung tư vấn, phí dịch vụ tư vấn.

Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ, cơ quan ngang bộ xem xét thông báo bằng văn bản đồng ý hoặc không đồng ý hỗ trợ.

2.2 Đề nghị thanh toán

Trường hợp đồng ý hỗ trợ và sau khi có văn bản tư vấn pháp luật của tư vấn viên pháp luật thì doanh nghiệp gửi hồ sơ đề nghị thanh toán chi phí. Hồ sơ thanh toán bao gồm:

  • Văn bản tư vấn pháp luật, bao gồm 01 bản đầy đủ và 01 bản đã loại bỏ các thông tin về bí mật kinh doanh của doanh nghiệp;
  • Văn bản đề nghị thanh toán chi phí tư vấn pháp luật có xác nhận của tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp. Trong đó có viện dẫn số và ngày của văn bản đồng ý, tên người thụ hưởng và số tài khoản, ngân hàng của người thụ hưởng;
  • Hóa đơn tài chính theo quy định của pháp luật;
  • Trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, Bộ, cơ quan ngang bộ thanh toán chi phí hỗ trợ tư vấn vụ việc, vướng mắc cho doanh nghiệp theo đề nghị thanh toán.
2.3 Mức chi phí hỗ trợ
  • Doanh nghiệp siêu nhỏ được hỗ trợ 100% chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp, nhưng không quá 03 triệu đồng một năm;
  • Doanh nghiệp nhỏ được hỗ trợ tối đa 30% chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp, nhưng không quá 05 triệu đồng một năm;
  • Doanh nghiệp vừa được hỗ trợ tối đa 10% chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp, nhưng không quá 10 triệu đồng một năm;
  • Hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp nhỏ và vừa được hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật theo quy định tại Chương IV của Nghị định số 39/2018/NĐ-CP.

3. Một số đường dẫn tham khảo

3.1 Hỏi đáp pháp luật tại Website Bộ GTVT:

https://mt.gov.vn/vn/pages/Hoidap.aspx?cID=76

3.2 Toàn bộ thông tin Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại Website Bộ Tư pháp:

https://htpldn.moj.gov.vn/Pages/TrangChu.aspx

3.3 Hỏi đáp và tư vấn pháp luật (có tính chất tham khảo) tại Website Bộ Tư pháp:

https://hdpl.moj.gov.vn/Pages/home.aspx

3.4 Mạng lưới tư vấn viên của Bộ Tư pháp tại các tỉnh, thành trên cả nước:

https://htpldn.moj.gov.vn/Pages/chi-tiet-tin.aspx?l=MangluoituvanvienBTP