Trong hoạt động sản xuất kinh doanh, việc ghi nhãn hàng hóa có vai trò quan hết sức quan trọng đối với cả chủ thể sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng. Theo đó, nhãn hàng hóa là một trong những cách thức hữu hiệu để nhà sản xuất quảng bá sản phẩm của mình. Đồng thời cung cấp thông tin, nguồn gốc, thành phần sản phẩm và các thông tin cần thiết khác đến người tiêu dùng, giúp người tiêu dùng chọn lựa đúng sản phẩm, mang lại hiệu quả cao khi sử dụng.
1. Ghi nhãn hàng hóa là gì?
Theo quy định tại điều 3 Nghị định 43/2017/NĐ-CP:
- Nhãn hàng hóa là bản viết, bản in, bản vẽ, bản chụp của chữ, hình vẽ, hình ảnh được dán, in, đính, đúc, chạm, khắc trực tiếp trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa hoặc trên các chất liệu khác được gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa.
- Ghi nhãn hàng hóa là thể hiện nội dung cơ bản, cần thiết về hàng hóa lên nhãn hàng hóa để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm tra, kiểm soát.
2. Nội dung thể hiện trên nhãn sản phẩm hàng hóa
2.1 Nhãn hàng hoá của các loại hàng hoá đang lưu thông tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 111/2021/NĐ-CP, nhãn hàng hóa của các loại hàng hóa đang lưu thông tại Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng Việt:
- Tên hàng hóa;
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
- Xuất xứ hàng hóa, trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa;
- Các nội dung bắt buộc khác phải thể hiện trên nhãn theo tính chất của mỗi loại hàng hóa quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 111/2021/NĐ-CP và quy định pháp luật liên quan.
2.2 Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam
Nhãn gốc của hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau bằng tiếng nước ngoài hoặc tiếng Việt khi làm thủ tục thông quan:
- Tên hàng hóa;
- Xuất xứ hàng hóa, trường hợp không xác định được xuất xứ thì ghi nơi thực hiện công đoạn cuối cùng để hoàn thiện hàng hóa theo quy định tại khoản 3 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP;
- Tên hoặc tên viết tắt của tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa ở nước ngoài.
3. Vị trí nhãn hàng hóa
Vị trí nhãn hàng hóa theo Điều 4 Nghị định 43/2017/NĐ-CP, Thông tư 05/2019/TT-BKHCN như sau:
– Nhãn hàng hóa phải được thể hiện trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa ở vị trí khi quan sát có thể nhận biết được dễ dàng, đầy đủ các nội dung quy định của nhãn mà không phải tháo rời các chi tiết, các phần của hàng hóa.
Chẳng hạn, số khung của xe máy được dập trên khung xe hay số Vin của ô tô được khắc trực tiếp trên thân xe tuy không được thể hiện cùng vị trí với các nội dung bắt buộc khác nhưng ở vị trí có thể nhận biết được dễ dàng, không phải tháo rời các chi tiết, nội dung này là một phần của nhãn hàng hóa.
– Hàng hóa có cả bao bì trực tiếp và bao bì ngoài:
- Hàng hóa trên thị trường có cả bao bì ngoài, không bán riêng lẻ các đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn trên bao bì ngoài.
- Hàng hóa trên thị trường có cả bao bì ngoài và đồng thời tách ra bán lẻ các đơn vị hàng hóa nhỏ có bao bì trực tiếp bên trong thì phải ghi nhãn đầy đủ cho cả bao bì ngoài và bao bì trực tiếp.
Chẳng hạn, hộp cà phê gồm nhiều gói cà phê nhỏ bên trong. Trường hợp bán cà hộp cà phê không bán lẻ các gói cà phê nhỏ thì ghi nhãn đầy đủ cho cả hộp. Trường hợp bán cà hộp cà phê và đồng thời tách ra bán lẻ những gói cà phê nhỏ bên trong thì phải ghi nhãn đầy đủ cho cả hộp cà phê và các gói cà phê nhỏ bên trong. Trường hợp thùng carton đựng các hộp cà phê đã có nhãn đầy đủ bên trong, có thể mở ra để xem các hộp cà phê trong thùng carton thì không phải ghi nhãn trên thùng carton đó.
Trường hợp bao bì ngoài trong suốt có thể quan sát được nội dung ghi nhãn sản phẩm bên trong thì không bắt buộc ghi nhãn cho bao bì ngoài.
Trên đây là bài viết cung cấp thêm thông tin về ghi nhãn hàng hóa. Mọi thông tin tư vấn, xin vui lòng liên hệ với Finch Law để được tư vấn chi tiết với từng trường hợp của Quý khách hàng.
Thông tin liên hệ:
Văn phòng: 231-233 Lê Thánh Tôn Tầng 5, Tòa nhà Fimexco, Quận 1, TP. Hồ Chí Minh
Chi nhánh: A4-40 Đường số 4, Khu nhà ở Nam Long, P. Hưng Thạnh, Q. Cái Răng, TP. Cần Thơ
Tel: 088 969 8877
Email: info@finchlaw.com.vn
Website: www.finchlaw.com.vn – www.dangkyfda.vn